Thánh Dominic Savio - Chết vẫn tui tươi và những bài học ý nghĩa
Thánh Đaminh Savio , quan thầy của các thiếu nhi, là học trò quý của Thánh Don Bosco, vị thánh được mệnh danh là Cha và Thầy của giới trẻ, đặc biệt trẻ đường phố, trẻ mồ côi, trẻ hư hỏng... đặc biệt với việc không chỉ yêu thương, quan tâm, mà còn đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm.
Ngay từ nhỏ tôi đã được cha Quang (Giám tỉnh Dòng Don Bosco, chủ tịch liên các dòng tại Việt Nam, nay ngài đã mất. Cha Quang cũng là người gầy dựng nên trường trung cấp Don Bosco gần trung tâm cảng Cái Mép, BRVT hiện nay). Tôi tự hào là học trò đặc biệt chẳng giống ai của Cha, nếu không nói là khó dạy, nhưng lại gắn bó với cha Quang từ nhỏ, và có nhiều kỉ niệm vui buồn. Trong đó luôn được kể chuyện và hướng dẫn đọc các truyện tranh về thánh Don Bosco, và Thánh Savio. Chính các câu chuyện này đã góp phần giữ cho những đứa trẻ đường phố, trẻ mồ côi, trẻ cá biệt như chúng tôi không hư nát... mà là cảm hứng tình người bất tận. Cho dù chúng tôi có nghèo cỡ nào, nhưng thấy bất cứ trẻ đường phố, mồ côi, quậy phá nào.. chúng tôi tự nhiên có cảm tình và có cách hòa nhập, không e ngại... lại thân thiện.. Và Tôi và nhiều người, tuy không theo con đường tu sĩ, nhưng vẫn chung một sứ mệnh là tham gia giúp những trẻ nghèo, bất hạnh, lỡ lầm có nghề nghiệp, và có công ăn việc làm.
Và cách làm từ thiện của chúng tôi cũng tập trung 4 trục chính: Giúp nghề nghiệp - Trợ giúp pháp lý, an ninh, tâm lý (vì trẻ cá biệt thường bị các vấn đề bất ổn này) - Công việc, sự nghiệp.
Và cũng vì cảm hứng từ Thánh Savio, và Don Bosco... chúng tôi cũng có vườn ươm tạo startup khá khác biệt và chẳng giống ai...
Anh chị em nào có cảm hứng về các hoạt động trên, có thể liên hệ tôi nhé.
Thôi tập trung vào vấn đề chính vậy...
Và tôi xin chia sẻ hai bài viết ở dưới về Thánh Savio. (hiẹn cũng có những phim về hai thánh này, anh chị em nên cho con cháu coi, và chinh mình cũng nên coi, rất hay)
Sinh ngày 02 tháng 4 năm 1842 tại Riva di Chieri, Turin, nước Ý trong một gia đình nông dân, ngay từ khi lên bốn, mẹ ngài đã thấy cậu con trai bé nhỏ quỳ cầu nguyện trong một góc nhà. Lúc năm tuổi, ngài là chú giúp lễ. Khi lên bẩy, ngài được Rước Lễ Lần Đầu. Vào ngày trọng đại ấy, ngài đã chọn phương châm: “Thà chết chứ không phạm tội!” và ngài luôn luôn giữ điều ấy.
Quả thật, Đaminh là một cậu bé bình thường nhưng lòng yêu mến Thiên Chúa của cậu thật phi thường.Vào lúc 12 tuổi, Đaminh theo học trường của Thánh Don Bosco. Qua cách cầu nguyện của Đaminh, mọi người trong trường đều nhận thấy cậu thật khác biệt. Đaminh yêu quý tất cả mọi người, và dù trẻ hơn họ, cậu cũng lo lắng để ý đến họ. Cậu sợ rằng họ sẽ mất ơn sủng của Thiên Chúa vì tội lỗi.
Đaminh Saviô thường nói, “Tôi không làm được những điều trọng đại. Nhưng tôi muốn tất cả những gì tôi làm, ngay cả những gì nhỏ nhặt nhất, là để vinh danh Thiên Chúa.”
Có lần, chúng bạn đưa cho cậu xem hình ảnh đồi trụy. Vừa thoáng nhìn thấy, cậu đã cầm lấy tờ báo xé tan ra từng mảnh và hỏi, “Thiên Chúa ban cho chúng ta cặp mắt để nhìn những điều xấu xa như vậy hay sao? Các anh không thấy xấu hổ à?”
Một lần khác, hai tên con trai giận dữ lấy đá ném nhau. Thấy thế, Đaminh đứng vào giữa, cầm tượng thánh giá nhỏ đưa lên cao, và nói, “Trước khi đánh nhau, mấy anh hãy nhìn vào thánh giá và nói, ‘Đức Giêsu Kitô vô tội khi Ngài chịu chết đã tha thứ cho kẻ giết mình. Tôi là kẻ tội lỗi, và tôi sẽ làm đau khổ Ngài khi không tha thứ cho kẻ thù.’ Rồi sau đó mấy anh hãy bắt đầu – và hãy ném đá tôi trước!” Hai anh kia cảm thấy xấu hổ, xin lỗi nhau và hứa sẽ đi xưng tội.
Sức khoẻ của Đaminh rất mỏng manh, thường hay đau yếu luôn và đưa đến biến chứng về phổi khiến cậu phải về nhà để tĩnh dưỡng. Tuy nhiên, khi ở nhà, bệnh tình lại càng gia tăng nên đã được chịu các Bí Tích sau cùng. Lúc ấy Đaminh mới 15 tuổi, nhưng cậu không sợ chết. Thật vậy, cậu vô cùng sung sướng khi nghĩ đến lúc được lên thiên đàng. Ngay trước khi chết, cậu cố gượng ngồi dậy. Cậu nói thầm vào tai cha mình, “Giã biệt bố.” Rồi bỗng dưng mặt cậu tươi sáng với nụ cười rạng rỡ. Cậu kêu lên, “Con đang nhìn thấy những điều kỳ diệu!” và trút hơi thở cuối cùng.
Đaminh Savio qua đời ngày 09 tháng 3 năm 1857 tại Mondonio, nước Ý. Chính Thánh Don Bosco là người viết lại tiểu sử của Đaminh Savio. Mộ phần Dominic Savio tại VCTĐ Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Dân tại Turin không xa nơi an nghĩ của cha thánh Don Bosco.
Đức Giáo Hoàng Chân Phước Pius IX đã công nhận các nhân đức anh hùng và thánh thiện của Đấng Đáng Kính Đa Minh Savio ngày 11 tháng 7 năm 1933. Đức Giáo Hoàng Pius XII đã tôn phong Dominic Savio lên bậc Chân Phước ngày 05 tháng 3 năm 1950, rồi bốn năm sau chính ngài đã nâng Chân Phước Dominic Savio lên hàng hiển thánh ngày 12 tháng 6 năm 1954. Trong buổi lễ phong thánh, Đức Giáo Hoàng Pius XII đã nói, “Một thiếu niên như Đaminh, là người cố gắng giữ mình sạch tội từ khi rửa tội cho đến khi chết, quả thật là một vị thánh.”
Bài viết của Dòng Tên.
ĐAMINH SAVIÔ – CHẾT VẪN VUI TƯƠI
Trong lịch sử Giáo Hội, có rất nhiều vị thánh đã được tuyên phong. Mặc dù mỗi vị thánh đều có những nét đặc trưng, những cách thức riêng để đạt tới sự thánh thiện như Đức Ki-tô; thế nhưng, có một điểm chung nơi cuộc đời các ngài đó là niềm vui thánh thiêng – một niềm vui đích thực trong tâm hồn mà chính Chúa Thánh Thần đã tuôn đổ vào lòng các ngài. Thật thế, niềm vui là dấu chỉ không thể sai lầm về sự hiện diện của Thiên Chúa; chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp được rất nhiều hình ảnh các vị thánh có đời sống tràn trề niềm vui như: Tôma More, Philip Nêri hay Don Bosco. Riêng đối với Don Bosco, ngài luôn muốn học trò của mình vui tươi, ngài nói rằng: “Cha vui mừng khi thấy chúng con vui chơi, nô đùa và hạnh phúc. Đây là cách để trở nên những vị thánh như Luy, miễn là chúng con đừng phạm tội.”. Ngài đã rất thành công trong việc giáo dục các bạn trẻ nên thánh qua con đường vui tươi này và Đa-minh Sa-vi-ô là một minh chứng điển hình.
Vui tươi – như là một lối đường để nên thánh
Sa-vi-ô là học trò tiêu biểu của Don Bosco. Chính nhờ sự hướng dẫn của Don Bosco mà Sa-vi-ô đã tìm ra được con đường nên thánh thật dễ dàng và phù hợp với tuổi trẻ của cậu đó là: Chu toàn bổn phận trong vui tươi. Khi biết được cách thức nên thánh thật đơn giản đó, cậu đã cố gắng hiện thực hóa ước mơ nên thánh của mình và cậu đã thành công. Quả thật, khi tìm hiểu về cuộc đời cậu, chúng ta nhận thấy sự vui tươi là nét rất nổi bật, nét vui tươi này đã góp một phần không nhỏ trong hành trình nên thánh của cậu.
Cha xứ của cậu đã nhận xét như sau: “Tôi đã chú ý đến Sa-vi-ô khi em lên 5. Em có thói quen đi nhà thờ với mẹ. Em có nét mặt tươi vui với thái độ nghiêm trang đứng đắn…”. Rõ ràng, niềm vui đã hiện diện nơi Sa-vi-ô khi cậu còn rất nhỏ, nét mặt tươi vui và trung thành đến với Chúa. Đây là điều mà không phải trẻ em nào bằng tuổi Sa-vi-ô cũng có thể làm được. Về việc cầu nguyện, các sách về cuộc đời cậu còn viết rằng: “Nghiêm trang, sốt sắng và không tựa người vào đâu. Cậu quỳ nghiêm chỉnh, vẻ mặt tươi vui, đầu hơi cúi xuống, đôi mắt lim dim…”. Đồng thời, cậu lúc nào cũng vui vẻ tham dự các giờ đạo đức đặc biệt những giờ liên quan đến phép Thánh Thể.
Không chỉ dừng lại ở đó, khi đến trường học hay bất cứ nơi đâu, Sa-vi-ô cũng rất vui vẻ cho dù thời tiết có khó khăn ra sao. Rất thán phục với ý chí cương quyết của Sa-vi-ô, một vị Linh mục là giáo viên của Sa-vi-ô đã viết lại rằng: “Dù trời mưa gió hay sương tuyết thế nào, cậu vẫn trung thành tới trường, tươi cười và không bao giờ nao núng”. Don Bosco cũng rất hài lòng về Sa-vi-ô, Ngài kể lại rằng: “Vào những ngày giá lạnh mùa đông, tay chân của Sa-vi-ô đầy tràn những mụn nhọt. Thế mà, cho dù đớn đau chừng nào, cậu vẫn không hề than trách hoặc tỏ dấu bực dọc. Ngược lại, cậu còn tỏ ra vui vẻ với những sự nhức nhối ấy. Dù trời nóng nực về mùa hạ cũng như giá lạnh về mùa đông, chưa từng ai nghe cậu phàn nàn điều gì. Dù khí trời có tốt hay xấu, cậu luôn tỏ ra vui tươi. Tại bàn cơm, dù dọn món nào, cậu cũng tỏ ra bằng lòng.”.
Không chỉ làm cho bản thân mình vui tươi trong khi chu toàn bổn phận, Sa-vi-ô còn muốn giới thiệu cách thức sống niềm vui thánh thiện này cho bạn bè của mình nữa. Cậu nói với Ga-vi-ô rằng: “Bạn biết đấy! Ở đây, chúng tôi coi việc nên thánh hệ tại sống cách vui vẻ. Từ nay, bạn hãy ghi lấy quyết định này nhé: Phụng sự Chúa trong niềm vui”.
Kiên trì trong niềm vui thánh thiện
Có một bằng chứng nữa rất rõ ràng để khẳng định về sự hiện diện của niềm vui thánh thiện nơi Sa-vi-ô đó là: đang nằm trên giường bệnh sắp chết, cậu vẫn luôn tỏ ra hồn nhiên vui tươi, nên không ai có thể nhận thấy được nỗi đau khổ nơi thể xác cũng như tinh thần của cậu. Don Bosco còn tường thuật lại rằng: “Lúc ấy là chiều hôm mồng 9 tháng 3 năm 1857, cậu lãnh nhận tất cả những ơn thiêng trợ giúp của đạo Công Giáo chúng ta. Những ai đã từng nghe cậu nói và chiêm ngắm vẻ đẹp an vui của cậu chắc sẽ nhận rõ cậu nằm trên giường như người ngủ nghỉ vậy. Cậu tỏ ra hồn nhiên, vui tươi, ánh mắt lanh lợi rạng ngời, rất tỉnh táo, ý thức về bản thân mình, khiến cho ai nấy phải ngạc nhiên và dường như không ai quanh cậu nhận ra cậu đang ở trong giờ phút lâm chung.”.
Vui tươi đúng là nét đặc trưng nơi cuộc đời thánh Đa-minh Sa-vi-ô. Chúng ta phải nói thêm rằng: Sự vui tươi nơi Sa-vi-ô không chỉ là niềm vui hời hợt bên ngoài nhưng là một niềm vui phát xuất từ bên trong tâm hồn, một niềm vui thánh, niềm vui đích thực trong Chúa Giê-su Ki-tô. Thật vậy, Sa-vi-ô đã luôn chọn việc kết hợp với Chúa là niềm vui lớn nhất trong suốt cuộc đời của mình. Minh chứng rõ ràng nhất là : dù Thánh lễ có kéo dài hoặc cha giảng có lâu và nhàm chán đi chăng nữa thì cậu cũng chẳng bao giờ phàn nàn hay than phiền một lời nào cả; ngược lại, cậu xem mọi Thánh lễ mà cậu tham dự là chính nguồn sống của mình vậy. Chân Phước Giáo hoàng Pi-ô IX đã phải thốt lên rằng: “Ông thánh nhí vĩ đại!”, khi thấy mẫu gương sống kết hợp với Chúa trong niềm vui của Sa-vi-ô.
Tạo lập cho chính mình niềm vui thiêng liêng
Đa-minh Sa-vi-ô là thế đó! Còn chúng ta thì sao? Chúng ta đã chọn Chúa là niềm vui đích thực của cuộc đời mình chưa hay chúng ta vẫn còn đang mải mê với những thú vui bên ngoài của cuộc sống mà thôi? Thật, tự bản thân, tôi cũng ao ước trở thành một người luôn vui tươi trong cuộc sống như Sa-vi-ô nhưng không ít lần tôi đặt niềm vui sai chỗ: có khi tôi chọn những cuộc vui chơi, ăn uống là niềm vui chính yếu thay vì chọn Thánh lễ là niềm vui đích thực; hoặc nhiều lần tôi đã chọn sự thành công trong học tập, trong công việc là niềm vui cho cuộc đời mình mà bỏ quên niềm vui của sự khiêm nhường. Giờ xét lại, tôi cảm thấy dường như mình chỉ thích thú với niềm vui bên ngoài chóng qua mà thôi; còn niềm vui thánh thiện khi tham dự Thánh lễ hay thực hành các việc đạo đức, tôi chưa thực sự cảm nếm được như Sa-vi-ô. Vì vậy, khi bắt gặp được niềm vui thánh thiện nơi Đa-minh Sa-vi-ô, tôi cảm thấy đó là một bài học thật cần thiết và ý nghĩa cho tôi. Và có lẽ, nó cũng cần thiết cho mọi Ki-tô hữu nữa, vì chính Tin Mừng cũng diễn tả niềm vui như vậy.
Giống như lời Thánh vịnh 36: “Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn, Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng.” (TV 36, 4); vậy, chúng ta hãy tạo lập cho mình một lối sống vui tươi, không phải vì những giá trị bên ngoài hời hợt nhưng vì được thờ phượng và chúc tụng Chúa mỗi ngày.
Đức Bằng, Thỉnh Sinh
Nhận xét
Đăng nhận xét